Người thành thị lớn lên từ nông thôn

Chuyện tản mạn…
Mỗi con người đều có một góc ký ức riêng, chỉ là không ai khơi dậy, không ai gọi về. Cuộc sống là một bức tranh muôn màu, tâm hồn chúng ta cũng vậy. Dưới đây, chúng tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về tuổi thơ ở nông thôn yên ả của một người thành thị…

———————————————————————-

Ai cũng có một tuổi thơ… Tuổi thơ của tôi là những trưa hè yên ả gió lùa, dưới gốc cây trứng cá, tụm năm tụm bảy cùng bạn bè chơi đố, chơi keo. Tuổi thơ của tôi là mỗi sớm mai nghe tiếng chổi quét xào xạc của bà, tiếng rao hàng lanh lảnh của mẹ, lanh lảnh, lanh lảnh, vẫn dưới gốc cây trứng cá thân quen…

Hôm nay, thẩn thờ cầm trái trứng cá nhỏ trên tay, cắn lấy vị ngọt của nó, ký ức bỗng chốc ùa về như cơn gió mát rượi của những buổi trưa hè ngày ấy, luồn vào tóc, thổi vào da thịt tôi như muốn cuốn tôi trở lại những cảm xúc non nớt ban sơ bên tiếng rao hàng lanh lảnh của mẹ, và tiếng chổi quét của bà…

Cây trứng cá, người bạn mà mỗi lần gặp lại, tôi không khỏi cảm thấy gần gũi, thân thương, như gọi về chính cái tuổi thơ yên ả của mình. Ở nơi Sài Gòn hoa lệ này, tìm một gốc cây trứng cá, như đi tìm một kỷ vật đã được gói ghém từ lâu, đặt trong một căn nhà bỏ hoang từ bao nhiêu năm cũ… Chính vậy, tôi đã tìm được, ngay tại giây phút này đây, 15 năm trước vụt sát lại bên tai, tôi có thể nghe được tiếng con chim sâu rục rịch trong vòm lá…

Năm ấy, vào mùa lúa trổ đòng – cái mùa mà chỉ cần một ít nắng hè giòn giã nữa là đã có thể nhuộm vàng cả quê hương, tôi đạp xe hùng hục trên con đường dài thênh thang hai bên ruộng lúa trải bạt ngàn, tít tắp, cố đạp thật nhanh cho gió táp vào mặt, cho mùi lúa thơm thoảng vào mũi, tiếng rít gió ù ù bên tai. Ôi chao, tôi thèm cái hương vị quê hương đến nao nao cả đất trời, thèm như đứa trẻ muốn trở về bên mẹ, như người già muốn ngả lưng, như kẻ đói muốn ăn một cái bánh kẹp vào giữa đêm tối… Tôi còn nhớ cứ mỗi lần như thế, tôi lại quên béng là mình đang bỏ lũ bạn sau lưng, thằng Hai Đất la oai oái: “Ê, thằng Kiên, chờ tao!”. Tiếng vọng cứ thế xa dần, xa xa, xa, rồi mất hút trên con đường làng…

Tôi là con út trong gia đình. Chị tôi hồi ấy đã cập kề đôi mươi, đang theo học lớp 12, còn tôi chỉ là thằng ranh con lí lắc chơi chưa biết chán. Chị Hai tôi ngoan, hiếu thảo, nhưng tính khí lại rất mạnh mẽ. Một mình Hai quán xuyến hết tất cả mọi chuyện trong nhà từ giặt giũ đến nấu cơm, vì mẹ tôi hằng ngày khá tốn thời gian cho việc làm vườn và buôn bán. Hai biết, nên mỗi ngày ngoài việc học ra, Hai đều phụ mẹ những việc lặt vặt trong nhà, đôi khi còn phụ mẹ dọn hàng ra chợ bán sớm. Bởi vậy mà Hai tôi được không ít chàng ngó nghiêng, Hai không quá xinh đẹp, nhưng duyên và khéo léo, hệt mẹ, về khoản khéo léo, còn xét về gương mặt thì trông chị hệt như ba, còn tôi thì lại hệt như mẹ.

Ba tôi là một người nông dân chất phác, hiền lành. Dù trời mưa to bão lớn đến đâu, dù mái nhà mình có bị dột đôi ba chỗ, dù lưng còng phải đạp xe giữa trưa hè mỏi mệt, thì ba tôi, cứ mỗi lần thấy chị em tôi tung tăng dưới gốc cây trứng cá, lại nở nụ cười mãn nguyện, nụ cười mà tôi cũng đã từng bắt gặp khi tôi hứa tôi sẽ là người đầu tiên trong làng đậu thủ khoa, năm đó tôi mới 12, nụ cười đã theo tôi suốt những năm tháng sau này… Ba tôi hơi gầy gò, thời gian vẽ lên mặt ông những nếp nhăn như nó đã làm với biết bao nhiêu người cha khác, nhưng riêng với ba, nó có một chút tàn nhẫn hơn. Rồi dần dần tôi biết, chính tại tôi đã khiến ông phải làm lụng vất vả hơn bao người, tôi là đứa đã tiếp tay cho thời gian đây, không thể nào diễn tả được cái cảm xúc hối lỗi của tôi cho đến tận bây giờ, khi tôi chưa thể làm cho nụ cười ấy mãn nguyện một cách trọn vẹn, khi đôi bàn tay tôi còn quá nhỏ nhoi. Giá như thời gian cho tôi thêm nhiều năm tháng hơn một chút, thì có thể tôi đã không phải trăn trở như bây giờ, cả cái trăn trở dành cho mẹ tôi nữa…

Mẹ tôi – hình mẫu của “một đôi quang gánh trên vai lưng còng buông xuôi ngược”, hai tay bà ấy chằng chịt những gân, đôi tay hao gầy, in hằn vết dấu năm tháng. Trên khắp những con đường quê hương, nơi nào cũng có dấu chân mẹ, mẹ đi với những gánh rau, từ lúc tờ mờ sáng cho tới khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Ai cũng bảo tôi giống mẹ, riêng tôi thấy trân quý nhất là khi có được đôi mắt của bà, đôi mắt pha nâu đặc biệt chẳng một lần biết sợ nhọc nhằn, gian khó. Ngày ấy, mỗi khi mẹ ngồi rao, tôi mới thấy được mái tóc đen của bà hình như đã lấm tấm bạc. Mới 12 tuổi, cái tuổi còn nhỏ dại, tôi tự hỏi mình làm sao để đôi tay này có thể nhuộm đen đi những sợi tóc kia? Bây giờ đã 15 năm trôi qua, tôi vẫn chưa thể có được câu trả lời. Sự tàn phá của thời gian lên mái tóc mẹ là một trong những điều khủng khiếp nhất mà tôi phải trải qua, nó nhanh chóng và hối hả, nó không cho phép tôi chặn đứng được một phút nào, trước khi tôi đủ dũng cảm để đối diện. Tôi nợ mẹ quá nhiều, món nợ mẹ không bao giờ đòi, dù cho bản thân có sống đến hai cuộc đời để trả thì tôi cũng không thể bù đắp hết nổi những gì mà mẹ đã hi sinh…

Hằng ngày, trước khi tôi tỉnh giấc, mẹ đã trở về từ chợ phiên cách nhà tôi chừng 2km. Phiên chợ ở đó họp rất sớm, và tan khi những ánh nắng ban mai đầu tiên bắt đầu ló dạng. Trời sáng, mẹ trở về bán ở làng, ngay trước nhà, bên cạnh gốc cây trứng cá đã hai chục năm tuổi. Bán đến tầm gần trưa, mẹ lại gánh ra chợ ở tỉnh, rồi mãi chiều tối mịt mới về. Còn ba tôi thì kiên nhẫn với nghề sửa xe, sửa điện, lúc rảnh rỗi ông còn nhận sửa nhà, sửa máy  cho bà con lối xóm. Khi thì làm cuốc xe đạp chở thuê, khi thì đóng bàn, đóng ghế, dựng cột, lợp ngói, ông nhận tất cả những gì có thể làm để kiếm thêm thu nhập. Nhà tôi không khá giả nhưng chúng tôi sống hạnh phúc, ba mẹ hòa thuận, con cái chăm ngoan. Chị em tôi lớn lên từ những gánh rau và những guồng xe đạp như thế, ngoài ra cũng phải kể đến những vạt áo của bà.

Bà ngoại ở ngay bên cạnh nhà tôi, ranh giới phân định chính là gốc cây trứng cá. Sáng nào bà cũng quét là trứng cá rụng trước sân, chị em tôi mỗi khi tan trường là lại te te qua nhà phụ bà đơm nút, kết cườm. Bà thương cháu, mỗi lần như thế bà lại cho chúng tôi ít tiền tiêu vặt, nhưng số tiền đó hầu hết chị em tôi đều dành dụm bỏ ống heo, để những mùa khai trường có thêm tiền mua sách vở. Chị tôi vẽ rất đẹp, chị vẽ gánh rau xanh mẹ mới hái, chiếc xe đạp cũ kỹ dựng ở góc tường rêu ăn xám xít, tay gầy guộc thêu áo của bà. Còn tôi ngày ấy vẫn chẳng biết mình có đam mê hay sở thích gì, chỉ biết hồn nhiên mỗi trưa nắng chang chang, tung tăng theo thằng Đất xách giỏ ra đồng bắt cua…

Thằng Đất là anh cả trong nhà, sau đó còn có hai đứa em nữa. Nó bằng tuổi tôi, nhưng vừa mới nghỉ học năm ngoái. Nó nói ba nó mất sớm, mẹ nó chỉ đủ tiền nuôi hai đứa em đi học, nên nó quyết định xin nghỉ học, theo mẹ đi ra đồng làm ruộng, ngày ba cọc ba đồng, phụ mẹ nuôi em. Nó học cũng khá, được cái rất vui tính, cái miệng đi trước cái thân, tướng nhỏ choắt mà lanh lợi vô cùng. Ngày nó nghỉ cả lớp tôi ai cũng tiếc, nó chỉ cười hà hạ như chẳng có gì, rồi ôm sách ra về, riêng tôi thì mất đi một thằng bạn thân ngày nào cũng đèo nhau cùng đi học. Thấy vậy mà nó làm giỏi lắm, ra ruộng là chẳng kém cạnh ai trong làng tôi đâu. Người ta nói thằng Đất mà lớn là sức nó làm gấp hai lần một người bình thường, còn bây giờ là ngang ngửa, nói đoạn ai cũng thương…

Tôi thân nhất với nó, thằng bạn chí cốt từ hồi còn “đóng khố”. Nhớ mỗi trưa hè cùng nó với đám trong làng tụ tập dưới gốc cây trứng cá mát rượi chơi nhảy keo, có lúc lại leo lên cây, đứa nào đứa nấy ôm lấy một áo trứng cá đầy ắp trước bụng rồi trèo xuống vừa nhâm nhi vừa kể cho nhau nghe chuyện gia đình cùng những ước mơ mong mỏi của mỗi đứa, riêng nó bảo chắc chẳng bao giờ nó có thể thực hiện được. Hồi đó suy nghĩ của chúng tôi ngây thơ, non nớt kinh khủng lắm, đến mức chỉ cần một chiếc kim biến cố nào đó chạm vào là nó sẽ vỡ vụn ra từng mảnh, chẳng còn biết phải ghép lại thế nào. Nó chỉ nghĩ được đến đó, đến cái ước mơ doanh nhân, rồi đột ngột giật mình giấu nhẹm đi, chôn chặt chúng xuống dưới gốc cây trứng cá ngày ấy, mãi mãi chẳng ai tìm ra được. Ước mơ của nó thật ra đã tan tành ngay trước khi được chôn xuống, bởi nó gặp phải chiếc kim vô tình đã châm bể bao nhiêu ước mơ khác nữa: cái nghèo. Một đứa trẻ không có tiền mua một viên bi để chơi, không có tiền để ăn một bữa cơm no ụ, không có tiền để cắp sách đi học, thử hỏi làm sao có tiền để trở thành một doanh nhân thực thụ đây? Cái ước mơ của nó xa vời, xa vời, rồi tan biến vào mây xanh…

Tôi lục tìm trong mớ hỗn độn những ký ức của tôi về nó, đã bao lâu rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau? Trí nhớ như vượt cả ngàn dặm đường, vượt cả ngàn dặm thời gian, đem ngày ấy về rõ mồn một trong tôi, tôi thấy hình ảnh nó chạy vụt theo xe ô tô, nhìn tôi trong màn nước mắt. Đó là cái ngày đầu tiên và cũng là duy nhất tôi thấy nó khóc sướt mướt, cái ngày định mệnh đem cuộc đời tôi đi xa cuộc đời nó, đi xa cả cuộc đời mẹ tôi…

Ba tôi qua đời, vì lao lực, vì căn bệnh ung thư phổi. Ngày phát hiện ra bệnh, ba không nói năng gì, chỉ nói ba bị suy nhược cơ thể, lúc này chị Hai tôi đang vào giai đoạn thi tốt nghiệp, tôi thì chuẩn bị lên lớp 7. Mỗi tối, ba ngồi dưới ánh đèn với vẻ mặt gánh đầy phiền muộn, nhưng khi bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn, ba cười tươi lên, ráng đem trở lại nụ cười mãn nguyện quen thuộc trên khuôn mặt, nhưng giờ tôi biết ba chỉ lừa dối tôi, thật sự lừa dối tôi… Lúc đầu, ba uống đủ các loại thuốc, mẹ gánh rau nhiều hơn, ba đi làm nhiều hơn, nhưng sao nồi cơm thì mỗi ngày lại ít hơn, miếng rau miếng cá ít hơn, tôi từ từ nhận ra kinh tế nhà tôi dường như đang bắt đầu trở nên kiệt quệ. Đến một ngày, tôi thấy ba thôi không uống thuốc nữa… Khi sức khỏe ba yếu dần, mẹ gánh rau nhiều hơn nữa, giờ về cũng trễ hơn nữa, ba vẫn đi làm, nhưng thường xuyên đột ngột trở về nhà nằm nghỉ, tôi tưởng ba chỉ mệt, tôi lon ton lại xoa bóp cho ba, ba vẫn cười… Những ngày cuối cùng, khi ba nằm trên giường bệnh, chị Hai tôi khóc hết nước mắt, còn tôi thì ngẩn ngơ, tôi sớm nhận ra mình sắp phải đối diện với một nỗi đau kinh khủng lắm. Tôi ước mình có thể cho ông nụ cười mãn nguyện như tôi đã từng hứa, nhưng khi đó, tôi không thể làm được gì, thời gian quá ít ỏi, quá keo kiệt cho nụ cười của ba tôi.

Ngày đám tang ba, bà con lối xóm đến đưa tiễn, mẹ tôi gương mặt hốc hác, đôi mắt xám sầm đi vì thức và khóc nhiều, chị Hai chỉ ngồi một góc, lâu lâu đưa mắt đỏ hoe nhìn mọi người rồi mệt lả đi. Họ hàng nhà ngoại tôi chủ yếu ở trong làng, một số gia đình ở làng bên. Riêng họ nội thì đã từ bố tôi khi ông quyết định theo mẹ về sống chung ở chốn quê nghèo hẻo lánh này. Ngày biết tin, họ nội tôi từ Sài Gòn vào, đem theo những thứ xa xỉ của cuộc sống thành thị, cả làng đều ngạc nhiên, đứng xem đông đen hết cả. Ông nội tôi vốn là công chức của một quận trong Sài Gòn, ông vừa gia trưởng vừa bảo thủ, ba tôi và ông đã cãi nhau một trận kinh hoàng khi ba đòi lấy mẹ, người con gái quê chân lấm tay bùn. Ngày đó, ông tôi đã quyết liệt ngăn cấm, buông lời thề sẽ cắt đứt máu mủ, tuyệt nhiên không liên quan gì đến cuộc đời của ba. Rồi ba bỏ theo mẹ, đến vùng quê nghèo này, nơi chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên như thế…

Ông nội tôi khi ấy đã già rồi, tóc muối tiêu, đôi mắt nhăn nheo, tuy nhiên về khoản khó tính thì vẫn cứ nguyên xi như thế, giọng vẫn ồm ồm, mày vẫn chau chau. Ông ở lại đám tang ba tôi 2 ngày, buổi tối cuối cùng hôm ấy, tôi thấy ông nói chuyện với mẹ rất lâu, rồi thi thoảng mắt mẹ thẫn thờ, buồn rười rượi. Sáng hôm sau, mẹ gom hết đồ của tôi và chị bỏ vào trong một cái thùng giấy, rồi mím môi bảo hai chị em theo ông vào Sài Gòn mà đi học. Chị tôi thương mẹ, khóc òa lên, nhất quyết không chịu đi, còn tôi thì vẫn chưa kịp hiểu được chuyện gì đang xảy ra nữa, cứ đứng núp trong góc nhà, đưa mắt nhìn ra chiếc xe ông đậu sẵn đó, bên ngoài cây trứng cá đã ôm ấp tuổi thơ tôi…

Chị Hai cứ khóc mãi, nằng nặc không chịu đi. Tôi cũng níu chặt lấy tay mẹ, dùng dằng. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ cương quyết đến vậy. Câu nói ám ảnh tôi ngày nào lại vang vọng bên tai cùng tiếng gằng giọng của mẹ: “Hai đứa mày, đừng có mà cãi lời như thế, lo mà theo ông học hành cho tử tế, nhà mình nghèo, ở với mẹ thì chúng bây chỉ có thể sống qua ngày đoạn tháng, chứ không thể ăn học thành tài, chúng bây chưa thành công thì chưa được trở về, biết không? Mau đi đi”.

Chúng tôi ra xe, để lại mẹ tôi đứng dưới gốc cây trứng cá nhìn theo, gương mặt thất thần, sau mấy ngày đám tang ba, giờ mẹ đã không còn đủ nước mắt để khóc nữa, một phần có lẽ mẹ cũng không muốn để chúng tôi trông thấy. Chị Hai vẫn khóc thút thít. Xe từ từ lăn bánh, tôi khựng lại, nhìn cảnh vật, đường làng, nhìn cây trứng cá và bóng mẹ tôi xa dần. Rồi bóng thằng Đất chạy hùng hục theo, luôn miệng gọi tên tôi và vẫy tay chới với. Lúc này, tôi gào lên, tôi nghĩ nó chính xác gọi là tiếng gào chứ không còn là tiếng khóc. Tôi bỏ lại mẹ, bỏ lại thằng Đất, bỏ lại cây trứng cá một thời hồn nhiên, để đến với giấc mơ thành thị, đến với tôi của bây giờ…

Nhìn lại, tuổi thơ hạnh phúc êm đềm của tôi trôi qua nhanh như một giấc mơ, giấc mơ mà tôi vẫn chưa muốn tỉnh đã vội vàng chấm dứt… Nhìn lại hiện tại, tôi có mái nhà không còn dột nát, nhưng lại không có bàn tay cha chỉnh ngói những ngày mưa to, không có cảnh hai chị em đua nhau ôm xô chậu hứng nước chảy từ trên mái nhà, không có những buổi chiều tôi long nhong cởi trần chạy thình thịch trên đường làng cùng thằng Hai Đất. Giờ đây, tôi đã có xe tay ga, nhưng đâu có đường làng nhuộm vàng màu lúa chín, đâu có dáng cha lụi cụi sửa thắng, đâu có những guồng xe đạp hùng hục để mà ôm, mà hôn lấy hương lúa non kia nữa. Giờ đây, tôi được ăn bữa ăn no đủ, lại thấy thèm rau muống mẹ trồng. Thế đấy, tôi thèm cái hương vị thân quen, thèm cái gió táp vào mặt, cái gió u u thổi hất tung cánh diều, cái gió mát rượi dưới gốc cây trứng cá, chứ không thèm cái gió điều hòa mốc meo. Ai trả lại cho tôi đây?

Bình luận

Tư vấn - Báo giá
Mở rộng quy mô doanh nghiệp của bạn với ONETECH!
Hãy liên hệ với chúng tôi để được cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm chất lượng cao với chi phí hợp lý nhất. Các kỹ sư của chúng tôi sẽ giúp bạn phát triển một giải pháp phù hợp để vượt lên đối thủ cạnh tranh của mình.
Mọi thông tin tư vấn và báo giá đều miễn phí.

    「Chính sách bảo mật」Nếu bạn đồng ý với những điều trên, vui lòng nhấp vào nút "Gửi"
    Một email trả lời tự động sẽ được gửi đến địa chỉ email bạn đã nhập, vì vậy hãy kiểm tra điều đó.
    Tư vấn - Báo giá
    Mở rộng quy mô doanh nghiệp của bạn với ONETECH!
    Hãy liên hệ với chúng tôi để được cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm chất lượng cao với chi phí hợp lý nhất. Các kỹ sư của chúng tôi sẽ giúp bạn phát triển một giải pháp phù hợp để vượt lên đối thủ cạnh tranh của mình.
    Mọi thông tin tư vấn và báo giá đều miễn phí.

      「Chính sách bảo mật」Nếu bạn đồng ý với những điều trên, vui lòng nhấp vào nút "Gửi"
      Một email trả lời tự động sẽ được gửi đến địa chỉ email bạn đã nhập, vì vậy hãy kiểm tra điều đó.
      liên hệ